Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

Gout - căn bệnh từ lối sống



Triệu chứng điển hình của bệnh gút là những cơn đau và sự viêm nhiễm ở các khớp xương. Tình trạng này sẽ phát triển khi lượng a-xít uric dư thừa trong cơ thể không được loại thải ra ngoài.

Trên thực tế, gút là một trong những căn bệnh phổ biến ở những người lớn tuổi và cũng là căn bệnh khá phổ biến được ghi nhận trong các tài liệu y học. Gút được mô tả là tình trạng đau thường xuyên do viêm khớp cấp tính gây ra. Điều trị bệnh là một hành động cần thiết, tránh làm cho bệnh trầm trọng hơn và trở thành mãn tính, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng cho các khớp.

Gút là gì?
Gút hay chứng tăng a-xít uric huyết (một dạng viêm khớp), là căn bệnh có liên quan đến sự trao đổi chất, do lượng a-xít uric tích tụ ở các khớp, tạo ra các tinh thể và làm xuất hiện những cơn đau buốt. Chúng thường xảy ra ở khớp ngón chân cái, nhưng các khớp gối, mắt cá, chân, tay, cổ và khuỷu tay cũng bị ảnh hưởng.

Kết quả hình ảnh cho gout:

Bệnh gút là kết quả của một quá trình tích tụ, có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Bệnh gút có thể gây ra nhiều rắc rối trong công việc và các sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Thông thường, khoảng 95% bệnh nhân mắc phải căn bệnh này là đàn ông, phụ nữ chỉ chiếm 5%.

Những nguyên nhân gây ra gút
Nguyên nhân chính của bệnh gút là sự hình thành các tinh thể của a-xít uric trong các khớp xương, da và thận. Trong quá trình tiêu hóa các protein, những hợp chất có tên là purine được hình thành. Việc chuyển hóa purine đã tạo ra a-xít uric trong cơ thể. Có nhiều nguyên nhân khiến cho mức a-xít uric trở nên dư thừa. Một số nguyên nhân tiêu biểu là:

– Những thói quen trong việc ăn uống: Ăn quá nhiều thịt, men dầu cá và chất cồn khiến cho a-xít uric xuất hiện nhiều trong máu.

– Di truyền: Nếu trong gia đình đã có tiền sử về bệnh gút thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.

– Giới tính: Lượng a-xít uric trong máu ở đàn ông cao hơn so với phụ nữ.

– Hút thuốc lá: Thuốc lá là nguyên nhân làm tăng lượng a-xít uric trong máu.

– Béo phì: Một cơ thể “nặng nề” sẽ tạo ra nhiều áp lực lên thận, khiến thận không đủ khả năng để lọc sạch máu, làm cho lượng a-xít uric trong máu tăng lên.

– Cao huyết áp: Huyết áp tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng mức a-xít uric.

Những triệu chứng của gút
– Sưng và đau ở các khớp xương do a-xít uric lắng đọng dưới da

– Vùng da quanh khớp đỏ tấy, bóng, mềm và đau khi chạm nhẹ vào

– Sốt nhẹ khi cơ thể đang phải “chiến đấu” với các cơn đau dữ dội

– Cảm giác ngứa ran ở các khớp do có sự hiện diện các tinh thể a-xít uric. Sự lắng đọng của các tinh thể này còn làm xuất hiện các khối u cứng và có màu trắng nằm bên dưới da.

Một số cách giúp “chế ngự” cơn đau do gút

Không có cách điều trị tận gốc bệnh gút nhưng có rất nhiều biện pháp để kiềm chế cơn đau:

– Dùng túi đá chườm lên khu vực khớp đang bị sưng và đau. Không nên đặt đá trực tiếp lên da vì điều này có thể làm da bị tổn thương.

Kết quả hình ảnh cho chườm lạnh vết thương:

– Thực hiện động tác nâng chân lên xuống, giúp máu lưu thông đến vùng khớp mắt cá đang bị sưng dễ dàng hơn.

– Có thể sử dụng loại băng gạc chuyên dùng để bao bọc vùng khớp bị đau.

Những bí quyết ngăn ngừa các cơn đau do gút
– Uống thật nhiều nước. Cố gắng uống khoảng 2,8 lít nước mỗi ngày vì mất nước sẽ làm hạn chế sự hoạt động của thận, dẫn đến việc tích tụ a-xít uric.

– Thừa cân chính là một yếu tố nguy hiểm đối với gút. Cần xem xét đến một kế hoạch giảm cân thích hợp nhưng tránh giảm cân quá nhanh vì điều này có thể làm cho lượng a-xít uric trong máu gia tăng.

– Hạn chế chất cồn, nhất là bia.

– Tập luyện thể thao điều độ.

– Ăn nhiều rau xanh và trái cây. Chế độ ăn uống lành mạnh chính là một trong những biện pháp tự nhiên giúp điều trị gút hiệu quả nhất.


EmoticonEmoticon